Theo đó, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) phối hợp cùng Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) ĐHQG TP.HCM tổ chức khóa tập huấn “Đánh giá chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục” nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của HUFLIT về các yêu cầu và tầm quan trọng của công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục (CSGD) theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT.
Đợt 1 của khóa tập huấn thu hút gần 60 thành viên tham dự bao gồm: Đại diện Ban giám hiệu; Lãnh đạo các đơn vị, chuyên viên phụ trách công tác đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) ở các đơn vị.
Tham dự và phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã thay mặt Nhà trường trân trọng cảm ơn chuyên gia đã hỗ trợ Nhà trường tập huấn công tác ĐBCLGD cho cán bộ chủ chốt, góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hoạt động tự đánh giá và chuẩn bị cho kế hoạch đánh giá chất lượng cấp CSGD của Nhà trường trong thời gian tới. Đây là hoạt động trọng tâm, tạo bước ngoặt phát triển góp phần duy trì được thế mạnh, thương hiệu, năng lực cạnh tranh của HUFLIT. Đại diện Trường cũng đã yêu cầu các cán bộ tham gia đầy đủ và hiệu quả các nội dung tập huấn, cố gắng hơn nữa để có thêm kinh nghiệm khi triển khai tự đánh giá và đạt được mục tiêu đề ra.
Tham gia báo cáo tại khóa bồi dưỡng, thành viên Ban giảng huấn gồm có: PGS.TS. Lê Ngọc Quỳnh Lam – Giám đốc Trung tâm KĐCLGD ĐHQG TP.HCM và TS. Trương Chí Hiền – Kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục. Lớp tập huấn đã được nghe trình bày tổng quan về bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí); cấu trúc báo cáo tự đánh giá và các quy định liên quan; nguyên lý PDCA trong việc triển khai các hoạt động tại Trường. Ngoài ra, chuyên gia còn hướng dẫn và tập huấn cho các thành viên tham dự cách thức vận hành hệ thống ĐBCL bên trong một cách có hiệu quả; các công tác cần chuẩn bị cho đánh giá ngoài; giải đáp những ý kiến trao đổi xoay quanh Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp CSGD của Bộ GD&ĐT; việc áp dụng Bộ tiêu chuẩn này vào thực tế; giới thiệu nguồn tài liệu cùng nhiều nội dung cần thiết khác.