Phiên toà giả định là hình thức được xây dựng dựa trên tình tiết của vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và tình hình thực tế của xã hội. Phiên toà giả định được Thầy Cô và các bạn sinh viên trong CLB Pháp luật trực thuộc Khoa Luật Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh (HUFLIT) thực hiện.
Tham dự hoạt động có Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Ông Mai Thái Linh – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Phường 3, Quận Gò Vấp, GVC.TS. Bùi Kim Hiếu – Trưởng Khoa Luật HUFLIT, ThS. Phạm Thị Diệu Hiền – Phó Trưởng Bộ môn Luật Hành Chính – Tư Pháp Khoa Luật HUFLIT, ThS. Luật sư Nguyễn Thị Thanh – Giảng viên Khoa Luật HUFLIT, Luật sư Huỳnh Nguyên Huy…
GVC. TS. Bùi Kim Hiếu – Trưởng Khoa Luật nhấn mạnh “Hình thức tổ chức Phiên tòa giả định là một hình thức không chỉ rèn luyện về kiến thức kỹ năng cho các bạn sinh viên mà còn để phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần giáo dục, giúp các em học sinh biết tự bảo vệ bản thân tránh xa những hành vi nguy hiểm như trên”.
Theo tình huống được xây dựng, phiên tòa giả định đưa ra xét xử bị cáo Phạm Gấu và Vũ Tấn Beo là học sinh lớp 9 của một trường trung học cơ sở thực hiện hành vi chặn, đe doạ các bạn lớp nhỏ hơn ở ngoài cổng trường để xin tiền. Gấu và Beo giắt một cây thước kẽ bằng nhựa, dài 30cm vào thắt lưng để nhô lên như hình cây dao để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản với tổng số tiền 1.000.000 đồng để tiêu xài mục đích cá nhân và bị Viện Kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 170 của Bộ luật Hình sự. Cuối cùng bị cáo Gấu và Beo bị xử phạt 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Thông qua phiên tòa, còn giải thích cho bị cáo và những người liên quan cũng như là các em học sinh mức độ nghiêm trọng của hành vi trên để các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân mình tránh những kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ vì lo sợ nên các em không dám nói dẫn đến lâu ngày sẽ gây ra một tâm lý xấu.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nhận định chủ đề này hiện nay cũng được xem là vấn đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhà trường cũng thường xuyên cập nhật, tuyên truyền cho các em học sinh hiểu biết về pháp luật dưới cờ mỗi sáng thứ hai. Cô Ánh chia sẻ, tập thể sư phạm nhà trường cũng rất vinh dự khi được kết nối với Khoa Luật Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh thực hiện thành công phiên toà giả định tại trường mang đến một lối tuyên truyền sáng tạo, trực quan sinh động tác động trực tiếp đến ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ các bạn của mình khi có tình huống xấu xảy ra.
Có thể nói, mô hình tuyên truyền pháp luật dưới hình thức phiên toà giả định là cách làm thiết thực, mới mẻ mang lại một hiệu ứng tích cực trong công tác phổ biến pháp luật đến với các em trong độ tuổi này. Đồng thời cũng là cơ hội để các bạn sinh viên có thể ứng dụng kiến thức đã học vào các tình huống giả định, là lợi thế tăng tính cạnh tranh khi gia nhập thị trường lao động.